Vị Tết 3 miền của các “Thiên thần” TokyoLife (Phần 1)

Đối với những “Thiên thần” của TokyoLife, Tết luôn thấm đượm hương vị của tình yêu thương, sự đoàn viên, sung túc và cả những nét đẹp riêng.

Tết sum họp của chị Trần Đoan Trang (“Thiên thần” TokyoLife Quang Trung)

Trong phong tục Tết của người miền Bắc, hoa đào tượng trưng cho những mong ước về sự sinh sôi nảy nở, một năm nhiều may mắn, hạnh phúc. Với gia đình chị Trang, chị không chỉ có những cành đào khoe sắc, mà “góp mặt ăn Tết” cùng gia đình còn có sắc vàng của mai Sài Gòn. Để có thể cảm nhận trọn vẹn hương vị đoàn viên, chị cùng anh trai tự tay chăm bón, và từ những gốc đào, gốc mai những năm trước đã đơm những bông hoa đào đỏ thắm, những bông mai rực rỡ. Theo đuổi thú vui trồng cây đào, cây mai vào dịp Tết, chị cho biết, thời điểm cây mai nở rộ nhất vào khoảng tháng 2, tháng 3 Âm lịch, cùng thời điểm với những ngày hội đầu xuân.

Hoa đào tết của xứ Bắc. Ảnh: Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội. Ảnh: Internet

Không chỉ tự tay trồng cây đón Tết, chị Trang cùng gia đình vào những ngày giáp Tết lại quây quần bên nhau, sơ chế, chuẩn bị các loại nguyên liệu để gói bánh chưng. Cứ khoảng 29 tháng Chạp Âm lịch, gia đình chị thường dành thời gian luộc bánh sớm cho kịp Tết. Không chỉ đơn giản là để tạo ra món bánh truyền thống ngày Tết, mà là khoảng thời gian mỗi người “một chân một tay”, là cảm giác hạnh phúc mong chờ những chiếc bánh tự tay mình chuẩn bị được ra lò, là khoảng thời gian để mọi người ngồi quây quần nói những câu chuyện vu vơ những ngày cuối năm…

Theo quan niệm của người Việt, mâm ngũ quả thể hiện mong muốn một năm với ngũ phúc lâm môn: Phú (giàu sang), Quý (phẩm chất cao quý), Thọ (sống lâu), Khang (có nhiều sức khỏe), Ninh (cuộc sống bình an). Ngoài ra, Ngũ còn đại diện cho Ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Là người con xứ Bắc, chị Trang thường trưng bày mâm theo luật ngũ hành (Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng) tương ứng với các loại quả như chuối, bưởi, đào, hồng, quýt để bày trên bàn thờ tổ tiên. Việc chuẩn bị mâm ngũ quả cũng là công việc ưu tiên của chị khi đi sắm sửa ngày Tết.

“Tết là gia đình” – Chị Trần Đoan Trang chia sẻ.

Và lẽ dĩ nhiên, khi nói đến Tết, phong bao lì xì là một điều “không thể thiếu” trong gia đình chị. Tuy người Việt thường kiêng quét nhà vào đầu năm mới, nhưng hiện nay, cùng sự giao thoa văn hóa khác nhau nên “vào tầm chiều là mình đã dọn dẹp qua” để chào đón những vị khách đến chơi nhà vào những ngày đầu xuân.

Tết Huế với “tục cổ nét xưa” của chị Phan Thị Thu Sương (“Thiên thần” tại TokyoLife Huế 3)

Cũng giống như xứ Bắc, vào khoảng thời gian dịp cận Tết, những loại hoa được người Huế yêu thích lựa chọn dịp Tết gồm hoa cúc, hoa cúc trắng, cây quýt, cây huệ. Dù còn bận rộn với công việc cuối năm, nhưng bản thân là một người con của xứ Huế, nhà chị hay tự tay chăm bón cho cây cúc trong vườn nhà, để sang năm, cây tiếp tục đâm chồi nảy lộc, cho một năm nhiều may mắn.

Một trong những nét Tết mang dấu ấn “tục cổ nét xưa” của người Huế nằm trong tập tục cúng lễ năm mới. Theo chị, ngày 30 tháng Chạp, các gia đình hay cúng mặn. Các món mặn đặc trưng trong mâm cơm cúng ngày Tết không thể thiếu như: xôi, chè đậu nành, hoa quả. Còn sang ngày mùng 1 Tết (hay ngày Sóc), chị và gia đình sẽ dâng hương và làm mâm cơm cúng chay vào sáng sớm gồm: “đậu hũ, khoai lang, bánh tét chay, chả lụa, quả mít non, bánh bèo chay, bánh lọc chay”, chị Sương giới thiệu. Và trước khi được đạp đất và tổ chức lễ cúng chay vào ngày đầu tiên của năm mới, chị sẽ không xuất hành du xuân.

Sự tinh tế trong cách bày mâm cỗ chay ngày Tết của người Huế. Ảnh: Internet

Nói đến lễ nghi đầu năm, chúng ta không thể không nhắc đến lễ đạp đất (xông đất, theo cách nói của người Hà Nội). “Nghi lễ này diễn ra sau giao thừa, người đạp đất là người đầu tiên đến nhà gia chủ để mang lại may mắn cho họ. Còn gia chủ sẽ mừng tuổi cho người đó”. Thường người được chọn là nam, vì theo chị,“con trai tham gia lễ đạp đất tốt hơn vì có nhiều dương khí hơn con gái”.

Vào mùng 1 hằng năm, nơi đầu tiên chị sẽ cùng gia đình ghé thăm là mộ ông bà tổ tiên, Tết đoàn viên luôn là một cái Tết khi ta nhớ về nguồn cội, ông bà của mình. Và sau đó, gia đình chị sẽ ghé thăm ông bà, họ hàng để chúc Tết, mừng tuổi cho các em nhỏ với những lời chúc cho một năm mới nhiều may mắn.

Chị Sương trong trang phục áo dài xứ Huế. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Người Huế thường trọng lễ nghi, nên đặc biệt trong ngày này, chị Sương cùng nhiều gia đình sẽ lưu ý “tránh ăn nói chửi tục, không đổi tiền, không mượn tiền, không mặc áo đen và trắng vào mùng 1, phải cẩn thận gương và ly bị vỡ” để có một năm mới bình an, hạnh phúc. 

Quảng Ngãi: Tết nhiều màu sắc của anh Phạm Kế Đạt (“Thiên thần” tại TokyoLife Quảng Ngãi)

Nói đến không khí Tết, thị trường hoa tại chợ hoa Quảng Ngãi lại trở nên nhộn nhịp với những loài hoa đủ sắc màu như hoa cúc, hoa mai, hoa mào gà lửa… được tiểu thương từ nhiều nơi đưa tới. Về hoa mai xứ Quảng, anh cho biết thêm, tại đây có 2 loại hoa mai được người dân yêu thích, đó là hoa mai tứ quý và mai vàng. Với Tết, mai vàng đã trở thành “đặc sản” không thể thiếu tại xứ Quảng. Còn trong gia đình, cây mai vàng do ông và mẹ anh trồng trong vườn của gia đình đã trở thành người bạn “ăn Tết” cùng anh.

Trong suy nghĩ của anh Đạt, Tết là dịp để anh cùng gia đình quây quần, cùng nhau chuẩn bị những món ăn đặc trưng gồm: gà luộc, thịt heo, bánh tét (đặc sản Tết), nem chua, ram cuốn… Ngoài ra, trong ngày Tết, để có thể sử dụng đồ ăn trong thời gian dài, mọi người cũng chế biến các món ăn có thời gian bảo quản lâu như: thịt ngâm nước mắm… Sự tiết kiệm, tỉ mỉ còn thể hiện trong cách bày biện món ăn khi mỗi mới được bày trên đĩa cùng lượng vừa đủ dùng. 

Còn với mâm ngũ quả Tết, cũng do điều kiện vùng miền, khí hậu nên người miền Trung thường bày biện các loại quả đơn giản, theo phương châm “có gì cúng nấy”. Dù tại Huế hay tại Quảng Ngãi, mâm ngũ quả của người dân nơi đây, theo anh Đạt, gồm có “thanh long, chuối, dứa, dừa, mãng cầu, cam, dưa hấu…”. Điều quan trọng nhất trong việc trưng bày mâm ngũ quả không nằm tại sự cầu kỳ hay giá thành của các loại quả, mà nằm tại cái tâm, tấm lòng thành của gia chủ dâng lên ông bà tổ tiên.

Anh Đạt chụp hình ngày Tết tại công viên Thành phố. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau khoảng thời gian tất bật sắm Tết, anh Đạt sẽ tận hưởng những khoảnh khắc sum họp bên người thân của mình với nhiều hoạt động bên gia đình. Sau khi đi chúc Tết ông bà và họ hàng, anh thường dành thời gian chơi các trò chơi như bò cua cùng các anh chị em họ hàng. Tuy người Quảng Ngãi thường phóng khoáng nhưng họ cũng có những điều cần tránh trong năm mới như tránh cãi lộn, không quét nhà để có một năm mới an vui.

Tết rực rỡ của Nguyễn Đào Thảo Nguyên (“Thiên thần” tại TokyoLife Lê Văn Khương)

Với cái Tết tại đây, chúng tôi gọi đó là Tết nắng vàng, bởi lẽ, vào những ngày giáp Tết, cây mai lại được trưng bày dọc các con phố, các chợ hoa Tết. Theo quan niệm của ông cha ta, mai vàng tượng trưng cho sự kiên cường, bất khuất và phú quý. Ngoài hoa mai, hoa cúc, chị nói, “thành viên tiếp theo” xuất hiện trong chợ hoa dịp xuân về là hoa hướng dương, hoa ly, hoa lan để trưng trên bàn thờ tổ tiên, “Tết là mọi người mua hoa là nhiều nhất”.

Tết nắng vàng tại xứ Sài thành còn đặc biệt bởi mâm cơm ngày Tết. Chị Nguyên nói về mâm cơm gia đình trong ngày Tết: “Trong ngày Tết không thể thiếu nồi thịt kho hột vịt, canh khổ qua”, hai món đặc trưng của người miền Nam. Người Sài Gòn chọn trái khổ qua để dùng trong món ăn vì, họ quan niệm “khổ qua”- mọi vất vả năm cũ sẽ qua đi để đón năm mới an lành, hạnh phúc. Còn với món thịt kho hột vịt (thịt kho trứng vịt – theo cách gọi của người miền Bắc), các gia đình sẽ để nguyên “hột vịt” khi dùng bữa trong mâm cơm, ngụ ý cho sự đủ đầy, sung túc, sum vầy của gia chủ trong năm mới. Ngoài ra, người miền nam còn lựa chọn bánh tét nhân ngọt, mặn khác nhau đón Tết. Tuy nhiên, “Tết trong Thành phố Hồ Chí Minh thì không có gói bánh tét, bánh chưng chỉ mua ở ngoài thui”, chị Nguyên cho biết.

Mâm cơm Tết với canh khổ qua và nồi thịt kho hột vịt. Ảnh: internet

Trong miền Nam, mâm ngũ quả người Sài thành cũng mang nhiều nét đặc trưng với nhiều hàm ý. Mâm ngũ quả nơi đây gồm quả mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài với ngụ ý cầu sung túc, cầu vừa đủ xài (cầu, dừa, đủ, xoài). Tuy nhiên, theo chị, trong Nam không có nhiều nhà trưng bày sung do không còn được trồng nhiều, thay vào đó họ chọn dưa lưới để bày thay thế trên mâm ngũ quả.

Cách bày mâm ngũ quả tại Sài Gòn. Ảnh: Internet

Xuất thân trong gia đình Công giáo nên tết nhà chị có phần đặc biệt hơn mọi nhà. Sau khi đón năm mới và thực hiện cúng ông bà tổ tiên vào ngày 30 Tháng Chạp và đêm giao thừa, vào ngày mùng 1, nơi xuất hành đầu năm của chị là đi lễ nhà thờ để cầu đón năm mới, hay theo cách gọi của chị, đó là đi hái lộc đầu xuân. “Hái lộc đầu xuân theo đạo Công giáo là mình sẽ đọc những câu chúc ban phước lành đầu năm mới”. Và sau 1 tiếng thực hiện nghi lễ, chị bắt đầu đi chúc Tết ông bà nội ngoại.

Chị Nguyên (thứ 4 từ phải sang) đón Tết cùng gia đình. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Về “hành trình chơi Tết” của người miền Nam, họ có quan niệm “mùng 1 Tết nội, mùng 2 Tết ngoại”. Sau khi thăm ông bà, chị sẽ “tụ tập trong nhà một bạn trong cửa hàng để cùng nhau chơi những trò chơi ngày Tết”. Chắc hẳn, sau khoảng thời gian nghỉ Tết bên gia đình, chị và mọi người có nhiều câu chuyện để kể, nhiều niềm vui để chia sẻ với nhau.

Còn tiếp

Phương Anh