Vị tết 3 miền của các “Thiên thần” TokyoLife (phần 3)

Trong điểm cuối của hành trình khám phá Tết tại 3 miền của Tổ quốc, chúng ta sẽ cùng quay lại Thừa thiên Huế và gặp anh Hồ Văn Xếp (”Thiên thần” tại xưởng may Nguyễn Văn Cừ) để khám phá Tết “Ăn cơm mới” của dân tộc Tà Ôi với nhiều hoạt động thú vị, nền ẩm thực đa dạng cùng những nét đặc trưng trong trang phục truyền thống của họ.

Tết Ăn cơm mới cùng thần Lúa

Tại huyện A Lưới của tỉnh Thừa thiên Huế, dân tộc Tà Ôi sinh sống chủ yếu với nghề làm nương rẫy. Do vậy hằng năm, một trong những dịp quan trọng nhất của người dân nơi đây là lễ hội Acha Aza (Aza), hay còn gọi là Tết Ăn cơm mới – Lễ hội tạ ơn thần Lúa và mong cho mùa màng bội thu. Tết Ăn cơm mới sẽ diễn ra vào tháng 11 Dương lịch (dựa theo nông lịch) vì đó là thời điểm người dân đã thu hoạch lúa xong. Trong ngày hội Aza, nhiều hoạt động vui chơi sẽ được tổ chức cho người dân. Mọi quyết định về hoạt động, thời gian tổ chức lễ hội sẽ đều do Già làng chủ trì.

Theo quan niệm của người Tà Ôi, Già làng là những người có đủ các tiêu chuẩn sau: “Họ là người hiểu biết về phong tục tập quán của làng, có tiếng nói nhất định trong làng, biết ngoại giao với các làng khác. Hơn nữa, bản thân cũng phải có đạo đức tốt, là tấm gương cho con cháu noi theo, trên 60 tuổi”. Mỗi làng sẽ chỉ có một Già làng. Anh cũng cho biết thêm, khi anh còn bé, do là người có uy tín và am hiểu về phong tục, tập quán của dân tộc nên bố anh được các thành viên trong làng tin tưởng giao cho trọng trách trở thành Già làng.

Cha anh Xếp trong trang phục truyền thống. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong lễ hội Ăn cơm mới chính là tục cúng lễ. Tuy lễ cúng chính chỉ diễn ra trong vòng một tiếng tại nhà sàn của bản, nhưng trước đó, thời gian dân làng chuẩn bị cho lễ có thể kéo dài từ bốn đến năm ngày, giúp đảm bảo mọi công đoạn của nghi lễ được diễn ra chu đáo và suôn sẻ. Thông thường, dân tộc anh Xếp sẽ tổ chức cúng vào buổi sáng do “theo quan niệm của mọi người thì buổi sáng là lúc bắt đầu cho mọi hoạt động trong ngày. Còn về mặt khoa học, nếu vào buổi tối thì không thuận lợi vì ngày xưa mình chưa có đèn dầu thắp sáng thì sẽ ảnh hưởng nhiều”.

Trước khi bước vào không gian cúng lễ chính, người tham gia (Già làng) sẽ phải “rửa chân rửa tay”, vì nước sẽ giúp gột rửa cho tâm hồn sạch sẽ để tổ chức cúng lễ. 

Nền ẩm thực đa dạng

Trong ngày Aza, những món ăn làm từ thịt gà, thịt lợn đã trở thành một phần không thể thiếu. Nếu như ngày thường, người phụ nữ sẽ đảm đương các công việc nấu ăn, chăm sóc gia đình thì vào ngày này, người phụ nữ và người đàn ông – chủ gia đình sẽ cùng nhau chuẩn bị món ăn để chung vui với buôn làng. Đàn ông chặt thịt gà, thịt lợn, lên rừng hái lá để làm những món ăn, phụ nữ nấu nướng. Bất kể gia đình nào, một khi đã là người con của dân tộc Tà Ôi vùng A Lưới thì cứ đến dịp này hằng năm, trên mâm cơm của gia đình lại có bánh L lap, bánh A quát, thịt nướng lá lốt, xôi ngũ sắc, cơm ống nương (cơm lam được đựng trong ống tre)…

Thịt nướng lá lốt, sôi ngũ sắc . Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bánh L lạp là loại bánh có hình tròn, mỏng, được làm từ gạo nếp với nhân là mẻ. Bánh A quạt làm từ gạo nếp, cùng nhân đậu xanh, thịt mỡ, được gói trong lá quạt tươi được những người đàn ông trong bản chặt từ rừng đem về. Trong những dịp cưới hỏi, nhà gái sẽ mang loại bánh này sang nhà trai, do vậy, bánh còn có tên gọi khác là bánh Tình yêu.

Bánh A quạt. Ảnh: Nhân vật cugn cấp

Khi nhắc đến các loại đồ uống, anh Xếp vui vẻ cho biết: “Trong làng mình có nhiều loại rượu lắm, nào là rượu đoác, rượu sim, rượu chuối rừng , rượu dứa… mọi người uống khỏe lắm”

Trang phục truyền thống làm từ vải Zèng

Trong ngày Aza, các thành viên trong dân tộc Tà Ôi khi tham gia sẽ mặc trang phục truyền thống của hộ. Trang phục truyền thống của nam giới sẽ gồm khăn đội đầu, bộ quần áo dệt Zèng (dệt thổ cẩm), còn phụ nữ sẽ mặc váy kiểu dệt Zèng với hai màu chủ đạo là đỏ và đen cùng nhiều hoa văn được thêu cầu kỳ với màu sắc đa dạng. “Ngoài màu đỏ và đen, bây giờ, mọi người có thể phối các màu khác nhau để cho thêm phần lộng lẫy”.

Người con gái Tà Ôi trong trang phục truyền thống của dân tộc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nói về Zèng, đây là một loại vải đặc trưng của người Tà Ôi. Mỗi tấm Zèng sẽ có màu khác nhau, như màu đen, vàng, đỏ, xanh lá, tím, được chế tạo từ các loại cây, lá trong tự nhiên. Sau khi có đầy đủ các tấm Zèng để làm trang phục, người phụ nữ trong gia đình sẽ sử dụng khung cửi để dệt tay, thêu các loại hoa văn khác nhau để tạo ra những bộ trang phục truyền thống. Đối với anh, công việc dệt Zèng còn gắn với tuổi thơ bên gia đình, mà đến mãi sau này, anh vẫn còn nhớ mãi công việc “ngồi giúp các chị xắc cườm để các chị đính lên áo”.

Ý nghĩa lễ hội Aza

Ngoài hoạt động cúng lễ, khi tiếng trống, tiếng khèn của người Tà Ôi nổi lên là các hoạt động vui chơi dịp lễ hội như đu dây, nhảy sạp, cầu giao duyên… được bắt đầu. Nói đến cầu giao duyên, anh cho biết: “đây chính là những câu đối đáp giữa các già làng, bạn bè và trai gái với nhau”. Hoạt động cầu giao duyên có thể hát với nhiều chủ đề như ca ngợi công lao của ông cha tổ tiên, hát về sinh hoạt lao động, tình yêu tình bạn giữa các chàng trai cô gái…

Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Dịp lễ Aza cũng là cơ hội để các thành viên trong thôn khác đến giao lưu với nhau qua tiếng khèn, câu hát, tạo sự gắn bó, kết nối trong dân tộc người Tà Ôi. Với anh Xếp, những ngày diễn ra lễ hội là khoảng thời gian không khí trong gia đình anh cũng như trong buôn làng trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

Đón Tết cùng dân tộc Tà Ôi cũng là nội dung khép lại chuỗi bài về “Vị Tết 3 miền cùng TokyoLife Angels”. Nhân dịp Tết Nhâm Dần đang đến rất gần, TokyoLife Angels xin kính chúc Quý bạn đọc một năm mới an khang, thịnh vượng, tràn đầy hạnh phúc!

Phương Anh