Vị Tết 3 miền của các “Thiên thần” TokyoLife (phần 2)
Lào Cai không chỉ nổi tiếng với nét đẹp nơi vùng núi, nơi đây là ngôi nhà chung cho nhiều dân tộc thiểu số khác nhau, trong đó có tộc người Dao đỏ. Hãy cùng chúng tôi gặp gỡ chị Phàn Mùi Pết (“Thiên thần” TokyoLife Lào Cai) để cùng tìm hiểu về không khí đón Tết tại quê nhà chị nhé!
Những phong tục đặc trưng
Cứ vào khoảng 27- 28 tháng Chạp, gia đình chị Pết lại rục rịch chuẩn bị cho mâm cơm ngày Tết. Nói đến mâm cơm Tết, chị kể: “Tết phải có thịt lợn, phần thịt nọng sườn”. Và câu nói “Mùng 1 miến, mùng 2 thịt lợn, mùng 3 nem” đã trở thành một “công thức bất biến” trên bàn ăn của nhiều gia đình.
Theo lời chị Pết: “Miến nước với nước xương, thịt nạc là món phải ăn vào ngày đầu tiên của năm mới”. Sang mùng 2, một trong những món ăn đặc trưng làm từ thịt heo là thịt treo gác bếp sẽ được các gia đình sử dụng. Cũng như các tỉnh miền Bắc khác, vào ngày mùng 3 Tết, món nem truyền thống sẽ là món chính trong bữa cơn gia đình. Đặc biệt trong những ngày này, trên bàn ăn của cộng đồng người Dao đỏ tại Lào Cai sẽ không sử dụng các món từ rau. Theo phong tục của chị, một trong những điều cần tránh ngày mùng 1 là “chỉ ăn thịt, dù có thế nào cũng sẽ không được vào vườn hái rau”, chị chia sẻ.
Dù ở đâu cũng vậy, Tết là phải có bánh chưng. Nói về bánh chưng Tết của người Dao đỏ, chúng ta không thể không nhắc đến bánh chưng dài với 2 loại nhân chính. Thứ nhất là đậu xanh và thịt, loại nhân thứ hai là thảo quả trồng trong vườn nhà được giã nhỏ ướp với thịt lợn. Trong hai loại nhân trên, nhân bánh chưng đậu xanh, thịt lợn được ưa chuộng hơn cả. “Quá trình làm bánh thì sẽ tùy vào mọi người người thích ăn nguyên gạo trắng hoặc đốt thêm thân cây lúc lắc để nhuộng gạo ra màu xám, cũng có thể lấy gio rơm thay” – Chị Pết chia sẻ.
Chia sẻ về cách bày trí bàn thờ, chị cho biết gia đình thường bày trí đơn giản với một hai cành đào và bánh chưng truyền thống của dân tộc. Ngoài gia chủ, xuất hiện trong lễ cúng còn có thầy mo – người chủ trì các nghi lễ cúng, người trực tiếp sẽ mời ông bà tổ tiên về nhà gia chủ ăn Tết. Trong khi cúng lễ, thầy mo sẽ sử dụng chữ Hán. Theo chị, trong vùng thì chỉ có thầy mo mới sử dụng và theo học ngôn ngữ này.
Trong nhiều dịp quan trọng như việc cúng bệnh, cúng gia phả hay cúng trong ngày Tết, dịp cưới hỏi… sẽ luôn có sự tham gia của thầy mo để dọn hết những muộn phiền của năm cũ, cầu cho một năm mới an vui. Do vậy, thầy mo luôn là người có tiếng nói trong các bản làng của người Dao đỏ.
Trong văn hóa truyền thống của người Dao đỏ, có những phong tục, hoạt động mà con gái thường sẽ không được tham gia trong các ngày Tết. Vào ngày cuối cùng của năm cũ và sáng ngày đầu tiên của năm mới, chị Pết và những người phụ nữ trong gia đình sẽ không ra khỏi nhà. Và “chỉ khi con trai đến xông đất nhà khác trước xong rồi thì mình mới đi” để tránh mang lại điều không may mắn cho gia chủ.
Trang phục truyền thống – một “tác phẩm nghệ thuật kì công”
Trang phục truyền thống người Dao đỏ vùng Lào Cai mang một màu sắc riêng với một bộ quần áo, yếm, tà, yếm 2 bên, mũ, quần thêu hoa văn dân tộc. Tất cả các công đoạn, từ may đo đến khi thêu và dệt trang phục trên khung cửi, người Dao đỏ đều tự tay thực hiện. Về khâu đo đạc, thay vì dùng thước dây như cách chúng ta vẫn làm, người dao đỏ chọn cách “tự ước chừng xem người đấy sẽ mặc size như thế nào để lên luôn”. Với những hộ không sử dụng khung cửi như gia đình chị Pết, những người phụ nữ trong nhà sẽ trực tiếp thêu hoa văn lên những mảnh vải họ mua ở ngoài.
Sẽ không quá nếu chúng tôi nói rằng, hoàn thiện một bộ trang phục dân tộc của người Dao đỏ cũng giống như hoàn thiện một “công trình nghệ thuật” vậy. Chị Pết cho biết: “Để hoàn chỉnh một bộ nhanh nhất cũng sẽ từ 3 đến 4 tháng, từ công đoạn thêu hoa đến may, hoặc có thể lâu hơn nữa”.
Lễ hội Xuân đậm bản sắc dân tộc
Tại khu vực của chị có người Dao đỏ, người H’mông cùng nhiều dân tộc khác sinh sống trong một ngôi làng. Vậy nên đã không ít lần, chị được trải nghiệm văn hóa Tết đặc sắc của cả những dân tộc khác, như trò chơi kéo co, ném còn và đặc biệt là phong tục “kéo vợ” – phong tục có vai trò quan trong trong hôn nhân của người H’mông. Chị kể, trong dịp Tết, tại các lễ hội, chợ phiên, nếu chàng trai người H’mông đã lựa chọn được người con gái mình thích, họ sẽ nhờ bạn bè giúp sức để “bắt vợ”. Cô gái đó sẽ được đưa về nhà chàng trai trong vòng 3 ngày, cùng sinh hoạt với gia đình chàng trai này. Theo truyền thống của người H’mông, trong những ngày cô gái “bị bắt”, gia đình nhà trai sẽ sang đưa sính lễ và thưa chuyện với nhà gái. “Và sau 3 ngày, nếu cô gái không nhận lời thì cuộc hôn nhân không thành, chàng trai sẽ đưa cô gái trở về với gia đình”. Do vậy, sau ngày lễ hội xuân, rất nhiều cặp đôi đã nên vợ nên chồng.
Còn với dân tộc chị, ngày hội Pút tồng – Tết nhảy lửa sẽ được tổ chức vào một ngày trong khoảng thời gian từ mùng 3 đến 11 tháng Giêng, tùy theo dòng họ. Đây là nghi lễ quan trọng nhất trong tín ngưỡng thờ cúng của người Dao đỏ để tưởng nhớ tổ tiên của họ. Chị chia sẻ: “Do mình là con gái nên sẽ không được tham gia nhảy lửa mà chỉ con trai mới được tham gia”. Tuy vậy, không phải chàng trai nào trong dong họ cũng có thể nhảy trực tiếp vào lửa vì “nếu người con trai đó không có thông linh, tức là khi họ chuẩn bị nhảy vào lửa, họ không có cảm giác đau thì họ mới có thể nhảy được”. Nghi lễ nhảy lửa sẽ gồm 11 bước, trong lúc chàng trai nhảy lửa, công việc cúng bái tổ tiên cũng đồng thời diễn ra, để cầu mong cho một năm mới hạnh phúc, gặp nhiều may mắn.
Không khí rộn ràng cùng sự hân hoan chào đón của người dân dịp đầu xuân luôn là khoảng thời gian đáng nhớ, một cái Tết “vừa chơi, vừa học” vô cùng thú vị của chị cùng các anh chị em liên xã.
Còn tiếp
Phương Anh