“Trợ giảng phiên dịch” tận tâm của xưởng Đà Lạt

Tại các xưởng may của TokyoLife, chúng tôi luôn có những anh chị em không khuyết tật và những “Thiên thần” cùng nhau hăng say lao động, sinh hoạt hàng ngày thật vui vẻ. Cũng như xưởng Nguyễn Văn Cừ, tại xưởng Đà Lạt, sự khác biệt về ngôn ngữ không còn là rào cản giữa các thành viên người Nghe và người Điếc khi họ có một “trợ giảng và phiên dịch” – chị Hà Thanh Hợi.

Khi mới chỉ vài tháng tuổi, một cơn bạo bệnh đã cướp đi khả năng nghe của chị Hợi khiến cho việc giao tiếp với xung quanh trở nên thật vất vả. Chia sẻ với chúng tôi, chị kể: “Mình nghe kém lắm, mình nói được ít, nếu ai nói nhỏ, mình nghe không rõ, ai nói to từ từ mình nghe kịp hiểu, mình mới trả lời được”.

Những bước trưởng thành đầu tiên

Do những hạn chế trong giao tiếp, thời đi học chị Hợi gặp khá nhiều khó khăn, đặc biệt khi các bạn xung quanh đều dùng ngôn ngữ nói tốc độ thông thường để trò chuyện. Cảm giác “luôn có một mình, cô đơn, lạc lõng” đã trở thành nỗi sợ của chị trong suốt quãng thời gian 9 năm học tập “dài đằng đẵng” của chị.

Chỉ đến khi chị gặp được cô giáo Hồng tại trường Trung cấp Kinh tế Du lịch Hoa Sữa, lần đầu tiên chị cảm thấy hạnh phúc vì được tiếp xúc với các bạn có hoàn cảnh giống mình, và cũng là lần đầu tiên chị được lắng nghe, thấu hiểu. Đó là quãng thời gian “không thể nào quên” đối với chị. Những buổi học đầu tiên với những cơn đau đầu, chóng mặt, có những lúc chị tưởng chừng như không thể học vào ngôn ngữ ký hiệu, nhưng cô giáo Hồng luôn đồng hành, động viên bằng những câu chuyện nhỏ, những lời tâm sự về những người bạn khuyết tật của cô. Cô đã kiên trì thực hiện những động tác ký hiệu khó lặp đi lặp lại suốt 2 tiếng của buổi học chỉ để giúp chị có thể ghi nhớ thật tốt. Bằng sự nỗ lực của bản thân và sự đồng hành của cô giáo Hồng, chỉ sau 1 tháng ngắn ngủi chị đã thành thạo ngôn ngữ ký hiệu để rồi sau này, cũng chính tại ngôi trường Hoa Sữa – nơi chị theo học nghề may thêu, chị đã trở thành cô giáo dạy Ngôn ngữ ký hiệu cho các bạn Điếc/Khiếm thính.

Chị Hà Thanh Hợi

Một trong những lý do khiến chị Hợi lựa chọn công việc giảng dạy là do được “truyền lửa” từ sự tận tâm và tình yêu thương chân thành với học trò của cô giáo Hồng. Chị luôn khao khát các bạn Điếc/Khiếm thính sẽ luôn được tạo cơ hội học tập tốt, được cộng đồng ủng hộ bước ra khỏi những rào cản của bản thân để “nói” lên suy nghĩ của mình.

Hai vai trò tại xưởng

Ngỡ rằng bản thân sẽ gắn bó với công việc giảng dạy trong suốt đời, nhưng những cơn đau đầu, chóng mặt liên tục “ngăn cản” chị trong những giờ lên lớp. Sau gần 3 năm nỗ lực gắn bó với chiếc bảng đen cùng những cô cậu học trò của mình, chị đã quyết định phải dừng lại công việc “lái đò” mình hằng yêu thích với rất nhiều tiếc nuối. Và rồi, cũng chính từ đây, cơ duyên với xưởng Đà Lạt đã đến với chị.

Mỗi ngày, hành trình “đi sớm về khuya” luôn là niềm hạnh phúc, là điều không thể thiếu trong cuộc sống của chị. Có những khi đến giờ xưởng tan làm, các chị em vẫn thường bắt gặp hình ảnh chị Hợi miệt mài cùng những sản phẩm của mình. “Ngày nào cũng vậy, mỗi khi các cô phải tắt đèn ở xưởng thì Hợi mới nghỉ tay. Nhiều hôm, Hợi còn mang sản phẩm về nhà hoàn thiện.” – Chị Nguyễn Thị Hằng, một trong những người “hàng xóm” của chị Hợi trong tổ C3.

Chị Hợi và công việc bận rộn tại xưởng

Ngoài công việc chính, chị Hợi còn “đảm đương” thêm nhiệm vụ “phiên dịch” kiêm “trợ giảng”, là cầu nối giữa người Nghe và các thành viên “Thiên thần” người Điếc trong xưởng. Chị cười vui khi chúng tôi nhắc đến vai trò đặc biệt này: “Mình không phiền và luôn sẵn sàng làm phiên dịch”. Hơn ai hết, chị hiểu được mong muốn được bày tỏ và chia sẻ suy nghĩ của mình với xung quanh của các bạn. Với kinh nghiệm giảng dạy và khả năng truyền đạt tốt, chị luôn hoàn thành xuất sắc vai trò của mình. Trong ấn tượng của chị Đào Thị Phương, chị Hợi luôn là “trợ thủ” đắc lực trong công việc, đặc biệt khi các cô mong muốn truyền đạt những thông tin quan trọng đến các chị em “Thiên thần”. Nhờ đó, sự khác biệt về ngôn ngữ dường như chưa bao giờ là rào cản giữa các thành viên nơi đây.

Chị Hợi cùng “hàng xóm” bàn dưới

Trong dòng đời hối hả bận rộn, chị Hợi đã tìm thấy “chốn bình yên của riêng mình”. Nơi đây đã trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc, giúp chị vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống. Với chị, nơi đây đã giúp mở ra một hành trình hạnh phúc mới cùng vai trò mới của mình – một “trợ giảng” kiêm “phiên dịch” đặc biệt của xưởng may Đà Lạt.

Phong Hoa