Nhằm tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho những người khuyết tật, những trải nghiệm trong cửa hàng đã được thiết kế lại với sự hỗ trợ từ các công cụ giao tiếp bằng công nghệ số đến các trang thiết bị, ấn phẩm hướng dẫn, để tạo điều kiện mua sắm tối ưu cho khách hàng. Đây là mô hình tiên phong, đang trong giai đoạn thử nghiệm, hướng đến mục tiêu 10% cửa hàng trong toàn hệ thống TokyoLife sẽ được chuyển đổi thành không gian do người khuyết tật vận hành.
Không chỉ tuyển dụng người khuyết tật có nguyện vọng được lao động, công ty còn tùy chỉnh các công đoạn để phù hợp với thể trạng của mỗi người khuyết tật và xây dựng bộ phận “Chăm sóc Thiên thần“. Với quan điểm “không chỉ tặng cần câu mà còn tạo ra hồ câu vui vẻ để người khuyết tật có thể tự mình câu cá”, TokyoLife vẫn đang trong quá trình hoàn thiện quy trình để ngày càng nhiều người khuyết tật nói chung và người điếc nói riêng có thể tham gia làm việc.
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 7% dân số tương đương 6,2 triệu người là người khuyết tật. Một phần trong số đó vẫn có khả năng lao động và mong muốn được lao động. Ông Lê Quốc Vinh – Phó Chủ tịch TokyoLife cho biết: “Với kinh nghiệm và mô hình sử dụng người lao động là người khuyết tật tại TokyoLife, nếu được nhân rộng với sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, thì mục tiêu tạo công ăn việc làm bền vững cho 2,5 triệu người khuyết tật là có thể thực hiện được”
Theo Thực tế (thucte.vn)