Những cuốn sách giúp trái tim mở rộng yêu thương

Sách luôn là người bạn đồng hành của mỗi chúng ta. Nhân ngày Sách Việt Nam 21/4, mời bạn cùng lắng nghe các thành viên trong gia đình TokyoLife chia sẻ về những cuốn sách ý nghĩa nhất của mình.

“Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ”: Thấu hiểu, đồng cảm nhiều hơn

Đây là một trong những cuốn sách đã giúp chị Lê Thị Huyền Trang (Trưởng nhóm R&D nghiên cứu phát triển, phòng Mua hàng) kết nối với những người thân yêu của mình. 

“Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” của tác giả Đặng Hoàng Giang xoay quanh câu chuyện về những khó khăn, nỗi đau của các bạn trẻ trong quá trình trưởng thành. Cuốn sách là tập hợp những cuộc phỏng vấn, trao đổi của chính tác giả cùng các nhân vật. 

“Chúng ta bắt gặp chính mình trong câu chuyện của các bạn”, chị Trang chia sẻ.  

Trong mỗi câu chuyện, những vấn đề của mỗi cá nhân được liên hệ trực tiếp với những thành viên trong cuộc sống của họ, những mâu thuẫn với cha mẹ, bạn bè. Giữa cái tuổi đôi mươi, khi chưa thực sự là người lớn và cũng không còn là trẻ con, các bạn trẻ phải đối mặt với nhiều áp lực trong cuộc sống, sự mâu thuẫn giữa các thế hệ trong gia đình, trường học,… dường như đã tạo nên “một thế giới thu nhỏ của chính các bạn”.  

Đã có lúc, mỗi chúng ta rơi vào hoàn cảnh của những cô cậu học trò đang trong lứa tuổi mới lớn. Có lúc, chúng ta mất kết nối với những người thương yêu nhất. Và đã có lúc, chúng ta rơi vào hố đen của căn bệnh trầm cảm nhưng không được quan tâm,… Khi đọc câu chuyện này, chị Trang không còn là một hành khách trên hành trình của nhân vật, chị đã trở thành người đồng hành, cùng khóc, cùng cười và vỡ òa khi nhân vật tìm thấy ánh sáng cho vấn đề của họ. Một câu chuyện không của riêng ai. 

Ảnh: Nhã Nam

Sau khi kết thúc một câu chuyện, tác giả sẽ ngừng lại, dành thời gian phân tích những chi tiết, tình huống cùng những phản ứng tâm lý của nhân vật. Khi hướng câu chuyện theo góc nhìn mới, chúng ta sẽ có cái nhìn cảm thông và đồng cảm với các bạn trẻ đang trải qua những đau đớn để trở thành một người tử tế.  Đôi lúc, ẩn sâu dưới những phản ứng dữ dội của mình đối với một câu nói, một hành động là những nỗi đau chưa được chữa lành từ quá khứ.  

“Chẳng ai hạnh phúc lại đi đem đến nỗi đau cho người khác”, chị Trang chia sẻ. Và điều đó đã giúp chị thêm thấu hiểu, đồng cảm với bản thân và với những người trong gia đình, thay vì có những cảm xúc tiêu cực trước những phản ứng của họ. 

“Có lẽ, họ vẫn còn những tổn thương trong quá khứ chưa được chữa lành”, chị cho biết.  Giờ đây, chị đã mở lòng với những người thân yêu, thấu hiểu những cảm xúc, hành động và yêu thương họ với trái tim cảm thông.  

“Tôi thích bản thân nhất khi ở bên bạn”: Cách yêu thương bản thân và mọi người xung quanh 

“Đây là chìa khóa giúp mình kết nối với chính mình. Chỉ khi ấy, mình mới có thể mở lòng, yêu thương mọi người nhiều hơn”- Anh Vũ Gia Nguyên (Chăm sóc Angels) chia sẻ về cuốn sách “Tôi thích bản thân nhất khi ở bên bạn” của tác giả Shiya Ryu.

Trước khi đến với “Tôi thích bản thân mình nhất khi ở bên cạnh bạn”, anh Nguyên đã trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống xung quanh. Đã có lúc, anh mất kết nối với chính mình. Nhưng nhờ những người bạn, những người đồng hành tại TokyoLife, anh biết đến cuốn sách. Cuốn sách đã thay đổi anh. 

Trước kia, Nguyên hay tự trách mình, cảm thấy mình làm sai, mình chưa đủ tốt… mỗi khi có việc gì đó diễn ra không suôn sẻ. 

“Sau khi đọc cuốn sách này, mình thấy cần yêu thương bản thân hơn. Thay vì suy nghĩ tiêu cực, mình cần phải suy nghĩ tích cực và tìm ra cách giải quyết cho vấn đề mình đang gặp phải”, Nguyên chia sẻ. 

Điểm chung giữa sự đồng cảm, thấu hiểu là cách chúng ta đón nhận, yêu thương bản thân trọn vẹn nhất. Không có sự phán xét, không có sự chỉ trích và trách móc. Giờ đây, Nguyên đã tìm được người bạn tâm giao quan trọng nhất, chính là bản thân mình. Nguyên tâm sự: “Nếu mình không kết nối với chính mình, không trân trọng bản thân thì mình sẽ mất những người quan trọng nhất”. 

Nguyên nhận ra, khi mình yêu thương bản thân, tình yêu đó sẽ chạm đến những người mình yêu quý. Tình yêu và sự thấu cảm cần xuất phát từ bản thân, khi ta hiểu điều mình muốn, thế giới xung quanh sẽ đổi thay.  

“Cha mẹ độc hại”: Kết nối, đồng hành là chìa khóa gắn kết mọi người 

Cuốn sách có tựa đề khá gây sốc của tác giả Susan Forward và Craig Buck – Cha mẹ độc hại – đã mang đến những kiến thức bổ ích cho chị Nguyễn Thúy Quỳnh (Trưởng nhóm Mua hàng) trên hành trình làm mẹ. 

Những ảnh hưởng của cha mẹ giống như chất hóa học, một chất hóa học sẽ theo những người con và cả nhiều thế hệ sau này. Lời giới thiệu này đã thôi thúc chị Quỳnh lựa chọn và đem “Cha mẹ độc hại” về tủ sách của mình. 

Cuốn sách giống như một cẩm nang cho mỗi phụ huynh trong quá trình nuôi dạy những thiên thần nhỏ. Nội dung sách gồm 2 phần chính. Trong phần 1, tác giả đã “điểm mặt đặt tên” những cách cha mẹ gây tổn thương cho con em mình: lời nói, hoàn cảnh – môi trường sống, sự kiểm soát quá mức hoặc đặt nặng kỳ vọng, trách nhiệm lên vai người con…  

Đôi khi những hành động, lời nói tưởng chừng như đơn giản lại gây nhiều tổn thương cho người thân yêu của mình. Chị Quỳnh cho biết: “Trước khi đọc, mình chỉ nghĩ, những lời nói nặng nề, trách móc mới đem lại nỗi đau cho con cái. Nhưng sau khi đọc, quan niệm của mình đã thay đổi”. Đôi khi, những tổn thương tinh thần gây nên nỗi đau nặng nề hơn nhiều so với nỗi đau thể xác.  

Qua những phân tích và diễn giải tâm lý mà tác giả đề cập đến trong phần 2, cuốn sách đã đem lại những kiến thức bổ ích cho chị Quỳnh trong hành trình trở thành một người mẹ. Và điều quan trọng trong hành trình áy chính là sự đồng hành. “Mình nhận ra, bố mẹ cần phải là người đồng hành trên chặng đường trưởng thành và phát triển của con”.  

Không chỉ đem lại những kiến thức về nuôi dưỡng gia đình, cuốn sách là liều thuốc tâm hồn, giúp chữa lành những thương tổn từ thuở bé mà cha mẹ gây ra. Để rồi, sau đó, mỗi cá nhân có thể đem đến sự đồng cảm, lòng trắc ẩn với những mối duyên ta gặp gỡ trong cuộc sống.

Cuốn sách cũng mang lại cho chị Quỳnh những thay đổi trong suy nghĩ về công việc. Chị luôn cố gắng trở thành một người bạn, người đồng hành với các thành viên trong nhóm để tạo kết nối tốt hơn.  

Chị Quỳnh chia sẻ thêm, ngay từ khi còn bé, sách đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chị. Sau này, chị mong rằng, sách sẽ trở thành người bạn đồng hành cho con trên chặng đường sắp tới. “Để tạo được thói quen đọc sách cho con, cha mẹ cần có một tình yêu với sách”, chị nói.

Phong Hoa