Những bộ phim đặc sắc về hạnh phúc của Angels

Trong những năm gần đây, chủ đề về sự mạnh mẽ, kiên cường của người Khuyết tật đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm phim xuất sắc, đem lại nguồn năng lượng tích cực cho người xem. Tháng 3 – tháng của Hạnh phúc, TokyoLife Angels hy vọng những bộ phim dưới đây sẽ mang lại những khoảnh khắc ý nghĩa đến với bạn đọc.

Phim The Shape of Water – Người đẹp và thủy quái (Phim chiếu rạp) 

  • Đạo diễn: Guillermo del Toro
  • Cốt truyện:  Guillermo del Toro
  • Độ dài: 123 phút
  • Ngôn ngữ:  Tiếng Anh, Ngôn ngữ ký hiệu Mỹ, Tiếng Nga 
  • Quốc gia:  Hoa Kỳ
Poster chính thức của bộ phim tại Việt Nam

Bộ phim đã nhận được nhiều tiếng vang khi được lựa chọn để chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Vience lần thứ 74 với giải Sư tử vàng và Liên hoan phim quốc tế Toronto năm 2017 cùng 13 đề cử tại giải Oscar lần thứ 90, 3 giải Oscar, 1 giải Quả cầu vàng và 1 giải BAFTA. Theo tác giả Peter Bradshaw của trang The Guardian, bộ phim là tác phẩm tuyệt vời nhất của đạo diễn Guillermo Del Toro, một câu chuyện cổ tích lãng mạn qua phần thể hiện xuất sắc của Sally Hawkins. 

Lấy bối cảnh tại một phòng thí nghiệm quân sự của Chính phủ Mỹ vào năm 1962, giữa thời đỉnh điểm của chiến tranh Lạnh, bộ phim kể về cuộc sống của một nữ quét dọn người Điếc Eliza Esposito (Sally Hawkins). Cô có hai người bạn thân là anh bạn họa sĩ minh họa quảng cáo đồng tính đang gặp phải những bế tắc trong cuộc sống – Giles (Richard Jenkins) cùng người đồng nghiệp da đen Zelda Fuller (Octavia Spencer). Trong một lần quét dọn tại đây, cô phát hiện ra một sinh vật được Đại tá Richard Strickland (Michael Shannon) – một kẻ tàn bạo bắt về từ sông Amazon để bí mật tiến hành thí nghiệm. Đây là một sinh vật lưỡng cư nửa người nửa thằn lằn. Điều đó đã dấy lên trong Esposito sự hiếu kỳ, thôi thúc cô đến gặp sinh vật đó hằng đêm. Và dần dần, cô nhận ra, sinh vật này là một người lưỡng cư nam. Hắn hiểu được những cử chỉ ngôn ngữ ký hiệu và lắng nghe điệu nhạc Jazz mà cô chơi hằng đêm. Dần dần, hai người có một sợi dây liên kết vô hình.  

Bước ngoặt lớn trong phim phải kể đến khi Đại tá Strickland muốn đi trước Nga trong cuộc chạy đua công nghệ với Liên Xô bằng cách giải phẫu người lưỡng cư. Một cuộc giải thoát bắt đầu với sự tham gia của Eliza, Zelda… 

Bằng những cảnh quay lãng mạn cùng các chi tiết được xây dựng hợp lý, bộ phim đem đến cho người xem một câu chuyện xúc động về tình người, tình yêu giữa những con người muốn được yêu, khao khát một tình yêu thuần khiết khi họ chạm được vào trái tim đối phương. Dù là một cô gái chịu nhiều bất hạnh trong cuộc sống, Eliza lại mang một tấm lòng ấm áp khi cô thể hiện sự quan tâm, giao tiếp và cảm thấy đau đớn, xót xa khi biết rằng sinh vật lưỡng cư đó sắp bị đem ra mổ xẻ vì tham vọng không đáy của con người.  

Cũng chính sự ấm áp trái ngược với những kỳ thị, phân biệt trong xã hội thời bấy giờ – những hành động đã đẩy người bạn đồng tính của cô dần trở thành kẻ nghiện rượu, đã mang lại đau khổ cho cô và người đồng nghiệp da màu Zelda,  đã giúp cô tìm thấy tình yêu của mình. “When he looks at me, the way he looks at me. He does not know what I lack or how I am incomplete. He sees me for what I am, as I am.” – Eliza (tạm dịch: Khi anh ấy nhìn tôi, cái cách mà anh ấy nhìn tôi. Anh ấy không biết những thiếu sót của bản thân tôi. Anh ấy nhìn tôi vì chính tôi, là bản thân tôi).  

Đại tá Strictland (Michael Shannon ) – Nhân vật phản diện trong phim

Phim: Koi Desu: Yankee-kun to Hakujou Garu (Tựa Việt: Đây là yêu) 

  • Đạo diễn: Hidemi Uchida, Shunsuke Kariyama 
  • Biên kịch: Uoyama (webcomic), Yuko Matsuda 
  • Nhà đài: NTV 
  • Số tập: 10 
  • Nước sản xuất: Nhật Bản  
  • Poster chính thức của bộ phim

Yukiko Akaza là một nữ sinh trung học Khiếm thị. Tuy không mất hoàn toàn thị lực nhưng, Akaza chỉ có thể nhìn thấy những vật có kích thước lớn với màu sắc rực rỡ. Hằng ngày, khi đi học tại trường, cô thường đem theo cây gậy trắng và đi theo vạch vàng dành cho người Khiếm thị. Và cũng chính những đường kẻ vạch vàng đã dẫn đến cuộc “chạm trán” với một anh chàng lông bông, “đầu gấu” của vùng – Morio Kurokawan trong một lần đến trường. Anh đã “trúng tiếng sét ái tình” với cô ngay lần gặp đầu tiên đó. Và những câu chuyện “dở khóc dở cười” bắt đầu…

Liệu rằng, sự khác biệt giữa một anh chàng “xã hội đen” với tính cách nóng nảy và một cô gái ngoan hiền, không thể cảm nhận ánh sáng có thể làm tình yêu của họ trở nên mệt mỏi? Và liệu rằng, những khó khăn về cơm áo gạo tiền của cuộc sống thực tại cùng sự ngăn cấm của các thành viên trong gia đình đối phương có làm thay đổi tình yêu của họ? Với thời lượng 10 tập, bộ phim đã đưa chúng ta đến với nhiều góc nhìn khác nhau giữa các nhân vật, tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh cùng thông điệp ý nghĩa về sự khác biệt, những giới hạn trong tình yêu giữa người không Khuyết tật và người Khuyết tật.  

Không chỉ tập trung khai thác câu chuyện tình yêu của hai nhân vật chính, bộ phim còn dẫn dắt người xem đến với những vấn đề khác nhau trong gia đình cũng như cuộc sống của một người Khiếm thị.  

Khi sống trong gia đình với các thành viên khác, Akaza có những khó khăn của riêng mình. Những mặc cảm, những tự ti, những nỗi lo và cả sự quan tâm đặc biệt mà cha và chị gái của cô dành cho mình vô hình chung đã gây nên áp lực cho các thành viên. Bên cạnh đó, quan niệm về giới hạn cùng sự phân biệt giữa người Khuyết tật cũng như sự xuất hiện của một người Khiếm thị trong căn bếp của một nhà hàng, người Khiếm thị tham gia giải chạy, được đạo diễn Hidemi Uchida, Shunsuke Kariyama khắc họa một cách chân thực, giúp đọng lại trong tâm trí người xem nhiều cảm xúc, từ sự bực bội, khó chịu đến sự cảm thông vào mỗi tuyến nhân vật trong phim.

Một trong những điểm cộng của bộ phim là sự dẫn dắt, giải thích các chi tiết liên quan đến cuộc sống của người Khiếm thị như tác dụng, tầm quan trọng của cây gậy trắng trong cuộc sống thường ngày của họ, hay cách chạy bộ cùng người Khiếm thị với cây gậy tiếp sức… đã giúp người xem có cái nhìn và những hiểu biết quan trọng để hỗ trợ người Khiếm thị trong cuộc sống thường ngày.

Phim Pafekuto Warudo (Tựa Việt: Thế giới hoàn hảo) 

  • Đạo diễn: Yoshishige Miyake, Keiichiro Shiraki 
  • Biên kịch: Rie Aruga (manga), Mayumi Nakatani 
  • Đài phát sóng: Fuji TV / KTV 
  • Số tập: 10 
  • Ngôn ngữ: Tiếng Nhật 
  • Nước sản xuất: Nhật Bản
Poster chính thức của bộ phim

Điều gì khiến chúng ta đau khổ hơn? Điều chúng ta có được rồi mất đi hay điều chúng ta đã sống với những thương tổn từ khi được sinh ra? 

Trong một buổi họp lớp, Tsugumi Kawana (Mizuki Yamamoto) – một cô gái trầm tính và thiếu tự tin tình cờ gặp lại mối tình đầu của mình và cũng là bạn cùng lớp của cô – Itsuki Ayukawa (Tori Matsuzaka). Thời trung học, Itsuki Ayukawa là chàng trai được nhiều cô gái ngưỡng mộ với tính cách năng động, ngoại hình đẹp trai và là thành viên trong đội bóng rổ của trường. Còn hiện tại, tuy đã trở thành kiến trúc sư tài năng, nhưng anh đã mất đi khả năng hoạt động của đôi chân và phải phụ thuộc vào xe lăn trong một lần gặp tai nạn hồi Đại học.  

Bộ phim đã đưa người xem đến với thế giới của người Khuyết tật vận động, Họ không chỉ gặp những khó khăn trong vấn đề đi lại như ta vẫn tưởng, họ còn đối mặt với nhiều nguy cơ về các bệnh lý phát sinh. Không chỉ bản thân, những khó khăn của gia đình anh cũng được đạo diễn đề cập tới trong phim. 

Với câu chuyện rất đỗi giản dị nhưng thấm đậm tình yêu, khát khao tuổi trẻ, một “mạng lưới” cảm xúc giữa các tuyến nhân vật cùng kịch bản với các tình tiết hợp lý qua những thước phim thơ mộng tại xứ sở hoa anh đào. Sự dằn vặt, đắn đo của hai nhân vật chính khi bắt đầu một mối quan hệ, sự sợ hãi của Ayukawa khi anh không thể đứng lên bảo vệ người mình yêu, sự lo sợ khi anh dần trở thành gánh nặng cho cô. Sự dằn vặt của Kanawa khi không có những chuẩn bị tốt để chăm sóc anh, sự lo lắng của cô khi gặp phải những ngăn cản của gia đình, đặc biệt là cha cô – ông Motohisa Kawana (Yutaka Matsushige) khi Kanawa là cô con gái mà ông tự hào biết bao. Ông mong con gái mình sẽ có thể dựa vào một chàng trai bình thường, điều mà Ayukawa không thể đem lại. 

Bộ phim còn đề cao yếu tố nhân văn qua cuộc sống của nhân vật Ayukawa. Tuy rằng gặp khó khăn khi di chuyển, anh đã trở thành một kiến trúc sư tài năng. Một trong những tuyến nhân vật phụ gây ấn tượng trong phim là Tsuyoshi Watanabe (Yuichi Kimura) – sếp của Ayukawa. Trong lần đầu gặp Ayukawa, thay vì cho rằng khả năng không thể di chuyển của Ayukawa là một khuyết điểm lớn, ông lại nhìn nhận tích cực về anh, nhận ra được giá trị và tài năng của anh. Thậm chí, ông rất mừng khi cho rằng, anh sẽ thấu hiểu những khó khăn của người ngồi xe lăn để tạo ra những căn nhà phù hợp. Cũng chính nhờ có sự cổ vũ của ông Watanabe đã giúp anh đứng lên sau nhiều lần gục ngã và muốn từ bỏ.  

Phong Hoa