Người Khuyết tật và những khó khăn thực tế trong phòng chống HIV

Mặc dù, những số liệu thống kê mối liên hệ giữa tình trạng khuyết tật với bệnh HIV còn hạn chế, tuy nhiên, hiện nay nhiều số liệu và bằng chứng đã cho thấy rằng, khả năng nhiễm bệnh HIV đối với người Khuyết tật cao hơn người không khuyết tật. Nhân kỷ niệm ngày Thế giới Phòng chống HIV/AID(1/12), qua bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm về ảnh hưởng của HIV đến cộng đồng người Khuyết tật nhé.

Tại sao người Khuyết tật lại có nguy cơ mắc HIV cao?

Nguy cơ cao bị xâm hại và làm dụng tình dục.

Những vấn đề liên quan đến tình dục ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh HIV. Trong hoạt động thường ngày, nhiều người Khuyết tật cần có sự hỗ trợ từ người xung quanh. Điều đó làm tăng nguy cơ khiến họ trở thành đối tượng dễ bị tổn thương. Họ có thể bị giảm khả năng tự vệ về mặt thể chất, cảm xúc và gặp phải những rào cản trong giao tiếp. Những điều đó có thể gây cản trở họ tự vệ và báo cáo những hành vi lạm dụng. Hơn nữa, định kiến và sự phân biệt đối xử với người Khuyết tật cũng gây nên tình trạng trên, khiến họ có những suy nghĩ cho rằng bản thân không có khả năng báo cáo về tình trạng bị lạm dụng của mình.

Bạo lực tình dục đối với người khuyết tật. Ảnh: UNsplash

Bạo lực, xâm hại tình dục và sự bạo hành của bạn tình đối với người Khuyết tật là một vấn đề không chỉ liên quan đến sức khỏe cộng đồng, mà còn ảnh hưởng đến nhân quyền.

Định kiến và vấn đề phân biệt đối xử.

Người Khuyết tật thường gặp phải những định kiến, bị phân biệt đối xử vì dạng tật mà họ mắc phải.

Khi họ mắc bệnh HIV, những gánh nặng đó thậm chí sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Điều này gắn với tình trạng người Khuyết tật bị hạn chế tham gia vào các vấn đề, sự kiện cộng đồng. 

Ảnh: Unsplash

Định kiến và sự phân biệt đối xử với người Khuyết tật trong xã hội được xem là rào cản lớn khiến họ không thể tiếp cận với các dịch vụ HIV và Chăm sóc sức khỏe sinh sản – điều đáng ra là những quyền lợi mà họ được hưởng. Theo một khảo sát tập trung vào một nhóm những người Khuyết tật tại Zambia nhiễm HIV, thực tế cho thấy, những định kiến, sự phân biệt đối xử vẫn luôn thường trực trong cuộc sống của họ, trong khi chờ đợi tiếp nhận điều trị, khi giao tiếp với nhân viên y tế và những lúc tiếp xúc với mọi người trong cộng đồng. Những hành động, lời nói bộc lộ sự kỳ thị và phân biệt đối xử trong xã hội, cộng đồng của họ thường dẫn đến những hậu quả nặng nề. Một số thành viên tham gia khảo sát cho biết, họ đã có ý nghĩ tự tử, còn với những thành viên khác, họ “thà chết tại nhà” hơn là tham gia các buổi điều trị HIV theo phác đồ điều trị ART.

Khó khăn trong việc tiếp cận chăm sóc y tế

Người Khuyết tật thường gặp phải nhiều khó khăn trong tiếp cận chăm sóc y tế. Một phần do những cân nhắc về tình trạng của người Khuyết tật không nằm trong kế hoạch phát triển của các dịch vụ y tế.

Hơn nữa, với những dạng tật khác nhau, người Khuyết tật sẽ gặp những khó khăn khác nhau. Những khó khăn ban đầu có thể kể đến như: người Khuyết tật cần sự giúp đỡ của người khác khi di chuyển, hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại phòng khám, hoặc khả năng tài chính eo hẹp khiến họ không có điều kiện trực tiếp di chuyển đến phòng khám, đặc biệt khi phòng khám ở xa.

Người Khuyết tật gặp nhiều rào cản khi tiếp cận chăm sóc y tế. Ảnh: Unsplash

Một khảo sát đến từ Tổ chức Khảo sát Nhân quyền về những rào cản và khó khăn của người Khuyết tật khi tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Zambia cho thấy, khi người Khuyết tật bị phụ thuộc sẽ gây ra những tình huống nào. Khi bên thứ ba hỗ trợ cho người Khuyết tật không có mặt tại phòng khám, người tham gia khảo sát cho biết, người Khuyết tật bị buộc phải hủy lịch hẹn khám. Và thay vì tạo điều kiện giúp họ đặt lại lịch khám hoặc tăng thời gian sử dụng thuốc kháng virus ARV để giảm thiểu số lần họ phải đến phòng khám, nhân viên y tế thường đánh dấu hỏi là “vắng mặt” (defaulters). Tình trạng này khiến họ phải đến khám nhiều hơn, làm hạn chế lượng thuốc họ được sử dụng, và hơn nữa, tình trạng trên còn có thể ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị của người bệnh.

Nhiều người Khuyết tật còn trải qua cảm giác thiếu tự tin khi thực hiện kiểm tra HIV do những rào cản ngôn ngữ cùng những yêu cầu về sự trợ giúp của bên thứ ba với vai trò phiên dịch trong giao tiếp. Nhiều nhân viên y tế thiếu những kiến thức, kỹ năng cần thiết nhằm giúp người Khuyết tật tiếp cận được với những dịch vụ y tế quan trọng. Do vậy, trong nhiều trường hợp, người Khuyết tật có thể bị trì hoãn yêu cầu chăm sóc y tế do những hành vi đối xử không tốt.

Tập trung vào đối tượng quan trọng trong phòng chống HIV

Nguy cơ mắc bệnh HIV đối với người Khuyết tật cao hơn người không khuyết tật là “minh chứng” của việc người Khuyết tật bị đứng “ngoài rìa” của cộng đồng cùng những hạn chế về việc tiếp cận những quyền cơ bản của con người. Do vậy, họ thường chịu ảnh hưởng nặng nề hơn khi mắc HIV so với cộng đồng.

Sự tham gia của người Khuyết tật vào các chương trình phòng chống HIV là chìa khóa. Ảnh: Stocksnap

Phương pháp hiệu quả nhất để khắc phục tình trạng trên nằm tại cách tiếp cận tập trung vào quyền của người Khuyết tật. Cụ thể, những vấn đề liên quan đến bất bình đẳng giới, bạo lực cần được giải quyết triệt để và hiệu quả. Hơn nữa, cách tiếp cận tập trung vào quyền của người Khuyết tật còn đồng nghĩa với việc công nhận cồng đồng người Khuyết tật là một công đồng đa dạng và có những nhu cầu đặc biệt. Và chìa khóa duy nhất giúp giải quyết những khó khăn của người Khuyết tật là tạo cơ hội cho họ tham gia vào quá trình thiết kế và thực hiện các chương trình phòng chống HIV.

Việc khuyến khích sự tham gia của các tổ chức người Khuyết tật được xem là yếu tố quan trọng. Điều này sẽ giúp khẳng định và thúc đẩy quyền của người Khuyết tật để phòng chống HIV trên toàn cầu. 

Phương Anh/ Lược dịch từ Avert

 

Đôi nét về trang web: 

Avert: là một quỹ từ thiện có trụ sở chính tại Anh. Thông qua các nền tảng công nghệ số, Avert đang xây dựng và nâng cao nhận thức của cộng đồng về bênh HIV và sức khỏe tình dục.