Hành trình mới bắt đầu cùng những “Thiên thần”

Khi còn đi học, tôi luôn sôi sục mong muốn được làm một công việc yêu thích, một công việc khiến mỗi sáng của tôi tràn đầy năng lượng khi thức dậy. Thời gian của tôi trong nhóm Đào tạo và Chăm sóc Angels tại TokyoLife là một công việc như vậy. Nhân dịp TokyoLife tròn 5 tuổi, tôi xin gửi tặng bài viết này đến công ty và anh chị em đồng nghiệp thân thương của mình.

Khởi đầu cho một hành trình.

Trước đây, tôi cứ ngỡ rằng vòng quay “8 giờ sáng – 5 giờ chiều” chỉ toàn những việc lặp lại thật nhàm chán. Nhưng khi đến với TokyoLife, hành trình đó của tôi lại không hề như vậy. Bởi với nhân viên mới như tôi, công ty đã thiết kế một khóa đào tạo ngắn hạn nhằm tạo điều kiện giúp chúng tôi có những kỹ năng và hiểu biết cần thiết trong công việc. Bên cạnh đó còn có những nhóm đào tạo bổ sung với các kiến thức bổ ích khác, áp dụng không chỉ trong công việc mà còn áp dụng cả cho cả đời sống hàng ngày.  Gần đây, tôi đang tham gia nhóm đọc sách “Triết lý Kaizen” của Tiến sĩ Robert Maurer, tôi chợt nhận ra rằng, mọi thay đổi đều đáng quý, mọi thay đổi nhỏ đều sẽ tạo ra một cánh cửa mới. 

Nguyễn Phương Anh

Một doanh nghiệp có thể phát triển lớn mạnh hay không, tôi thiết nghĩ, yếu tố cốt lõi nằm tại văn hóa. Với tôi, văn hóa doanh nghiệp của TokyoLife thể hiện qua chữ “Tâm”. Tôi còn nhớ những buổi trò chuyện về hạnh phúc hay những buổi chia sẻ về những cuốn sách, trong cuộc sống với các anh chị trong công ty, những khóa học về lòng Biết ơn và sự Tử tế. Thật tuyệt vời bởi đó chẳng phải là điều cốt lõi mỗi chúng ta đang hướng đến sao?

Nhóm Đào tạo và Chăm sóc Angels

Là nhân viên của nhóm Đào tạo và Chăm sóc Angels (CSA), tôi thường làm việc và tiếp xúc với các anh chị em là người Điếc. Nhóm chúng tôi có “Bộ tứ quyền lực” với anh Nguyên đóng vai trò “lãnh đạo” nhóm cùng anh Tuyến cao lớn, chị Nhung xinh gái và em Hương siêu cá tính. Ngoài ra, tôi còn được làm việc với em Thủy đầy nhiệt tình, anh Giang điềm đạm và chị “sếp” thân thương – mà chúng tôi hay gọi là chị Trang Lu. Họ luôn đồng hành và hỗ trợ tôi từ những ngày đầu khi tôi còn bỡ ngỡ với công việc và môi trường. Về văn hóa CSA, từ “cute” (dễ thương) hay được chúng tôi sử dụng trong giao tiếp. Trong quan niệm của nhóm CSA chúng tôi, mỗi người đều mang những nét đáng yêu và đặc biệt, mỗi cá nhân đều thật tuyệt vời. Nhờ họ, mỗi ngày khi đến văn phòng, tôi lại thấy thật bình an.

Nhóm CSA cùng chị Trần Thị Thùy Linh – Giám đốc Bình an

Ngoài công việc bàn giấy tại văn phòng, công việc truyền thông cho tôi có dịp tiếp xúc với anh chị em tại nhiều bộ phận khác nhau. Được nghe những câu chuyện riêng, hoàn cảnh riêng của từng người khiến tôi thêm trân trọng công việc mình đang làm, một công việc giúp tạo cầu nối giữa các thành viên trong công ty có cơ hội hiểu hơn về đồng nghiệp của mình hơn. Và lẽ dĩ nhiên, trên hành trình kết nối đó của tôi luôn có nhóm CSA đồng hành. Có những quãng đường dài hơn 15 km, đầy nắng, gió và cả những ngày mưa, chúng tôi đều sát cánh bên nhau. Lần gần đây nhất, tôi cùng anh Nguyên, chị Nhung lên đường đi thực hiện số bài viết mới tháng 11. Do nhiều hạn chế và rào cản trong giao tiếp ngôn ngữ ký hiệu, công việc của tôi gặp nhiều khó khăn. Những cuộc phỏng vấn kéo dài hàng giờ đồng hồ với ngôn ngữ ký hiệu, những bức ảnh chứa đầy yêu thương, nụ cười chân thật… Tôi đã không thể hoàn thành nhiệm vụ nếu không có họ – những đồng đội đáng yêu của mình.

“Biệt đội Ninja” CSA

Có 2 loại hình ngôn ngữ được sử dụng trong nhóm chúng tôi: ngôn ngữ tiếng Việt và ngôn ngữ ký hiệu. Tôi muốn giới thiệu với bạn, ngôn ngữ ký hiệu là ngôn ngữ riêng của người Điếc. Cũng giống như tiếng Việt, mọi hành động cử chỉ trong ngôn ngữ ký hiệu thay thế cho chữ viết đều thể hiện một thông điệp, ý nghĩa nào đó, dễ dàng để người Điếc sử dụng giao tiếp với nhau. Nhằm giúp tôi nhanh chóng sử dụng thành thạo ngôn ngữ ký hiệu, cứ mỗi buổi chiều hằng tuần tôi đều được các anh chị trong nhóm “mở lớp đặc biệt” – lớp học do các anh chị người Điếc thuộc CSA giảng dạy. Cá nhân tôi cho rằng đây là một ngôn ngữ rất thú vị, tôi xin phép chia sẻ về quá trình học ngôn ngữ ký hiệu của tôi – một người khiếm thị trong bài viết sắp tới.

Mỗi ngày, khi thức dậy, tôi luôn luôn cảm nhận nguồn năng lượng tích cực khi biết rằng một hành trình thú vị lại sắp bắt đầu cùng anh chị em trong nhóm. Điều ấy làm cho mỗi ngày đi làm của tôi càng trở nên ý nghĩa hơn, tiếp thêm sức mạnh giúp tôi vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nhân ngày sinh nhật của TokyoLife, tôi xin chúc các anh chị em đồng nghiệp luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc trên con đường sắp tới.

Biết ơn rất nhiều vì chúng ta đã được gặp nhau!

Nguyễn Phương Anh