Để xã hội ngày một tốt đẹp hơn

IntelLife và Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội đã kết hợp tiến hành các hoạt động nhằm phối hợp thực hiện dự án tạo việc làm cho người khuyết tật.

Người khuyết tật (NKT) được hiểu là những người không may bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.

Người lao động được dưới sự hướng dẫn của phía IntelLife tiếp cận các bước cơ bản của quá trình làm việc

Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia về NKT, hiện nay, Việt Nam có khoảng 8 triệu NKT, chiếm 7,8% dân số, 58% NKT là phụ nữ, 10% NKT thuộc hộ nghèo. Để đảm bảo và chăm sóc cho NKT, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều đề án, chính sách về an sinh xã hội, tạo việc làm, dạy nghề cho NKT. Nhiều văn bản đã ban hành như Bộ luật Lao động, Luật NKT… Các văn bản pháp luật này đã tạo cơ sở triển khai các chính sách đến NKT tại các địa phương. Nhờ đó đến nay đã có nhiều địa phương thành lập và bố trí kinh phí từ Quỹ việc làm cho NKT để hỗ trợ, tạo việc làm cho NKT.

30 người lao động khuyết tật và gia đình đã tham dự sự kiện cũng với đại diện của Hội NKT Hà Nội và Công ty IntelLife.

Hiện nay có hơn 15.000 lao động là NKT và khoảng trên 16.000 lao động khuyết tật khác đang làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình hoặc được hỗ trợ từ Quỹ việc làm. Theo một báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong số những NKT nhận được hỗ trợ về dạy nghề và tạo việc làm, có gần 41% nhận được tư vấn về học nghề, tư vấn việc làm và giới thiệu việc làm, gần 18% được miễn giảm học phí… Đáng chú ý số cơ sở dạy nghề ở Việt Nam đã tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Tính đến nay có 156 cơ sở dạy nghề tham gia dạy nghề cho NKT, trong đó có 55 cơ sở dạy nghề chuyên biệt, 200 cơ sở có tham gia dạy nghề cho NKT và trên 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh của NKT.

Tính riêng tại địa bàn Thủ đô Hà Nội, hiện có khoảng hơn 90,000 người khuyết tật, trong đó người khuyết tật đang trong độ tuổi lao động chiếm hơn 30%. Phần lớn trong số đó chưa có việc làm ổn định. Với hơn 10.000 hội viên cá nhân tại 30 đơn vị Hội các cấp quận, huyện, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội đã được thành lập theo Quyết định số 266/QĐ-UBND ngày 16/1/2006 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, là tổ chức xã hội của người khuyết tật trên địa bàn thành phố Hà Nội, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giới tính, địa vị xã hội, nguyên nhân khuyết tật; tự nguyện tham gia các hoạt động của người khuyết tật và vì người khuyết tật.

Đại diện IntelLife tặng quà cho những người lao động khuyết tật và gia đình đến tham dự chương trình.

Hội được thành lập nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết, nâng cao năng lực của người khuyết tật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; khuyến khích, động viên, tạo cơ hội để người khuyết tật khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên trở thành những người có ích, hoà nhập đầy đủ và bình đẳng vào xã hội, hướng tới “Xã hội hòa nhập, không rào cản và vì quyền của NKT”.

Mặc dù được quan tâm, chăm sóc của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội nhưng NKT vẫn còn những rào cản rất khó vượt qua trong khi xin việc làm. Những khó khăn trong việc học tập đã ảnh hưởng lớn đến quá trình tìm việc làm cho họ (bằng cấp, tay nghề). Các trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm, hay các hội chợ việc làm dành cho NKT dù có tăng nhưng cũng không nhiều, số lượng vẫn chưa đủ đáp ứng, quy mô nhỏ, lại tập trung tại các thành phố lớn nên do việc người khuyết tật tiếp cận các thông tin việc làm còn rất hạn chế.

TokyoLife
Màn thả bóng bay nhẹ nhàng mà ấn tượng, thể hiện sự quyết tâm của tất cả để cùng nhau hướng về tương lai tươi sáng.

Cùng với đó là sự thiếu mặn mà của một số doanh nghiệp, tổ chức, trong việc tuyển dụng người khuyết tật vào đơn vị của mình. Nhưng không cũng không thể không nói tới những đơn vị, doanh nghiệp đã nỗ lực vượt khó để có thể tạo mọi điều kiện tốt nhất cho NKT có một cuộc sống dễ dàng hơn.

Công ty Cổ phần IntelLife (IntelLife) sở hữu chuỗi cửa hàng TokyoLife, một công ty kinh doanh trong ngành Thương mại và Dịch vụ được thành lập và đăng ký theo luật pháp Việt Nam. IntelLife và Hội NKT thành phố Hà Nội đã kết hợp tiến hành các hoạt động nhằm phối hợp thực hiện dự án tạo việc làm cho NKT thông qua việc tham gia vào Ban Quản lý dự án xây dựng và vận hành xưởng may cho NKT của IntelLife tại Hà Nội. Hoạt động hợp tác của hai bên đã bắt đầu từ ngày 01/6/2018 với dự án: “Chung tay vì cộng đồng” mục đích nhằm tạo điều kiện cho NKT có việc làm bền vững, thúc đẩy thực hiện quyền có việc làm của người khuyết tật.

Một xưởng sản xuất hòa nhập người khuyết tật

Ở giai đoạn 1, dưới sự tư vấn của Hội NKT Hà Nội, IntelLife đã xây dựng xưởng sản xuất hòa nhập người khuyết tật tuân thủ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và các quy định hiện hành của Nhà nước. Tham gia các chương trình tập huấn về lĩnh vực người khuyết tật do Hội NKT Hà Nội đề xuất tổ chức. Phối hợp với Hội tuyển cán bộ quản lý dự án có chuyên môn và kinh nghiệm làm việc với người khuyết tật. Phối hợp với Hội xây dựng kế hoạch chi tiết cho quá trình chuẩn bị tuyển sinh, tuyển dụng, đào tạo nghề và vận hành sản xuất. Đưa 30 NKT vào làm việc tại xưởng may, tạo công ăn việc làm ổn định và trả mức lương ổn định cho công nhân là NKT.

Ở giai đoạn 2, sau khi đưa NKT vào làm việc ổn định, sẽ tiếp tục tuyển dụng và đưa thêm 30 NKT ra làm việc tại hệ thống công ty và cửa hàng Tokyo Life. Tạo công việc làm phù hợp và ổn định cho NKT tại hệ thống. Sau thời gian phối hợp chuẩn bị, vào ngày 18/7, Hội NKT thành phố Hà Nội đã phối hợp với Thương hiệu thời trang Tokyo Life thuộc IntelLife đón tiếp 30 NKT và người thân tới dự buổi Lễ Khởi động dự án “Việc làm cho NKT” tại Hà Nội.

Tới dự buổi lễ ngoài sự góp mặt của đại diện Hội NKT Hà Nội, Hội NKT Long Biên, và đại diện một số Hội NKT các địa phương khác như Hải Dương, Thanh Hoá,…; Ban lãnh đạo công ty IntelLife, còn có 30 NKT và gia đình tới tham dự. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành và kết quả là 30 NKT đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã được tham gia vào chương trình. NKT tham dự vào chương trình sẽ được đào tạo nghề để có thể làm việc và đảm bảo được mức thu nhập ổn định hằng tháng.

Đồng thời, những lao động khuyết tật ở xa sẽ được bố trí chỗ ở tiện nghi, gần nơi làm việc và được thông tin đầy đủ về các chính sách, chế độ của công ty đối với người lao động là NKT. Đây chính là điều làm cho người lao động khuyết tật và gia đình của họ yên tâm về điều kiện làm việc và sinh hoạt hàng ngày.

Tại buổi lễ, bà Phan Bích Diệp – Phó Chủ tịch thường trực Hội NKT thành phố Hà Nội đã đánh giá cao dự án và cho rằng đây là một cơ hội để anh chị em NKT được hoà nhập trong môi trường thân thiện, nơi mà NKT được tôn trọng, được tạo điều kiện thuận lợi để phát huy khả năng của mình, đóng góp vào sự phát triển của công ty và tạo dựng cuộc sống tự lập của bản thân mình, đón nhận những cơ hội tốt đẹp mới mở ra trong cuộc sống. Về phía Hội NKT Hà Nội cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với IntelLife trong công tác quản lý và hỗ trợ người lao động khuyết tật để đạt được mục tiêu của dự án.

Dự án là một sự quyết tâm, nỗ lực chung tay hành động cùng toàn xã hội của doanh nghiệp đối với NKT. Qua đó mang lại tay nghề, việc làm góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NKT. Nhưng ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, người lao động khuyết tật cũng cần phải có sự nỗ lực rèn luyện, làm việc, cố gắng học hỏi nhằm nâng cao kiến thức từ chính các đồng nghiệp, tham gia các hoạt động chung, nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của công ty, đoàn kết giúp đỡ nhau và đóng góp vào sự phát triển chung của đơn vị và cho cuộc sống của chính mình ngày một tốt đẹp hơn.

Theo Gia đình & Pháp luật