Cửa hàng đặc biệt ở Hà Nội: Nói vào micro khi cần tính tiền, cần tìm size vỗ vai người bán

Tại cửa hàng Tokyolife đặc biệt này, các nhân viên bán hàng cũng trò chuyện thông qua ký hiệu.

Những ngày này, các vị khách khi đến mua sắm tại một cửa hàng trên phố Thái Hà (Hà Nội) không khỏi chú ý khi bước vào đây, họ thấy trên tay nhân viên đón tiếp một tấm biển nhỏ – điều mà rất hiếm khi xuất hiện ở những điểm bán hàng khác mà họ từng ghé qua.
“Chúng tôi là người Điếc – Chào mừng Quý khách”, phía sau nội dung trên tấm biển là một câu chuyện cảm động và đặc biệt về trải nghiệm mua sắm, do những bạn trẻ là người khiếm thính trực tiếp bán và hỗ trợ khách hàng.
Tại đây, các nhân viên giao tiếp với nhau thông qua ngôn ngữ ký hiệu hoặc gõ chữ qua điện thoại.
Khách hàng khi cần giúp đỡ cho việc tìm kiếm sản phẩm hay tư vấn mua hàng… sẽ vỗ nhẹ vào vai nhân viên.
Các tấm biến hướng dẫn cách giao tiếp với nhân viên của cửa hàng được đặt ở nhiều vị trí rất dễ quan sát.
“Ban đầu có hơi bỡ ngỡ một chút, nhưng việc mua hàng không gặp nhiều khó khăn vì hầu hết các sản phẩm đều đã có thông tin rõ ràng trên bao bì. Nếu muốn chọn size, mình chỉ cần chỉ lên bảng treo là nhân viên biết mình cần tìm kích cỡ nào”, Thu Hoài, trú tại Thái Thịnh chia sẻ khi mua sắm tại đây.
Để tránh bất tiện cho khách hàng, cửa hàng cũng ghi chú rất nhiều thông tin để khách hàng có thể hiểu những nỗ lực, cố gắng để phục vụ khách hàng tận tâm của nhân viên là người Điếc.
Một nhân viên của cửa hàng cho hay, không chỉ trau dồi kiến thức về sản phẩm, cung cách phục vụ khách hàng, mỗi ngày, các bạn đều học thêm về ngôn ngữ ký hiệu để có thể phục vụ được những khách hàng cũng là người khuyết tật.
Tại đây, việc tính tiền cũng có phần đặc biệt hơn. Khách hàng sẽ nói vào micro được trang bị tại bàn thu ngân.
Lời nói sẽ được chuyển thành văn bản trên chiếc máy tính bảng để thu ngân có thể đọc được yêu cầu của khách.
Theo đại diện của TokyoLife – đơn vị triển khai dự án, đây là mô hình tiên phong, thử nghiệm, với mục tiêu 10% cửa hàng trong toàn hệ thống cửa hàng Tokyolife sẽ được chuyển đổi thành không gian do người khuyết tật vận hành, đạt mục tiêu nâng tổng số người khuyết tật trong Công ty lên khoảng 300 người.
“Không chỉ tặng cần câu mà còn tạo ra hồ câu vui vẻ để người khuyết tật có thể tự mình câu cá, TokyoLife vẫn đang trong quá trình hoàn thiện quy trình để ngày càng nhiều người khuyết tật, người điếc có thể tham gia làm việc”, đại diện đơn vị này chia sẻ.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị