Câu chuyện tại xưởng móc thú bông Angels

Xưởng móc thú bông ra đời để tạo thêm cơ hội về việc làm cho người Khuyết tật. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, trong số những nhân viên đang làm công việc này, lại có cả những người “đặc biệt”.

Những người đã từng thu mình, ít giao tiếp với môi trường bên ngoài và chỉ muốn ở một mình. Nhưng giờ đây, họ đã mở lòng đến với những chiếc móc và sợi len, mở lòng với những người anh chị em tại xưởng móc thú bông. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng tại đây, các bạn được làm việc cùng nhau, chia sẻ, tâm sự với nhau về công việc cũng như cuộc sống hàng ngày.

Chị Lê Thị Huyền Trang là một trong những thành viên đặc biệt đó. Chị bị mắc bệnh từ nhỏ, cuộc sống hằng ngày gắn liền với thuốc. Chứng bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực khiến chị lúc thì hưng cảm, lúc thì trầm cảm. Vì vậy chị không muốn giao tiếp với bên ngoài và sống rất khép kín. Những lúc ở một mình, chị thấy thực sự cô đơn nên hiện chị muốn phát triển bản thân và muốn tự lập hơn, để bố mẹ không còn lo lắng nhiều về chị nữa.

Còn với chị Hoàng Thị Thu Loan, chị lại có một hoàn cảnh rất khác. Chị vốn làm nhân viên kinh doanh tại một công ty dược. Nhưng vào năm ngoái khi biến cố ập tới, chị đã từ bỏ tất cả để nhập viện điều trị trong 3 tháng. Ra viện, chị vẫn mang trong mình tâm bệnh, không việc làm, không niềm vui hay đam mê. Mọi công việc dự định cho tương lai đều phải gác lại sang một bên.

Các chị ở nhà đều không tìm được công việc phù hợp, mọi chi tiêu đều nhờ sự giúp đỡ từ gia đình. Ý nghĩ cuộc sống sẽ cứ mãi nhàm chán và trôi đi như thế vây hãm lấy tâm trí cả hai. Họ thấy buồn và thấy bản thân mình vô dụng.

Rồi tình cờ hai chị biết thông tin tuyển dụng của ForLife trên Facebook. Lúc đầu họ chưa hình dung ra được đây là công việc gì. Nhưng cảm nhận được ý nghĩa nhân văn trong công việc mà công ty đem lại nên cả hai đã quyết định thử sức mình và nộp hồ sơ phỏng vấn. Trái với suy nghĩ rằng, phỏng vấn là những câu hỏi khô khan. Tại đây chị Trang và chị Loan được chia sẻ công việc một cách cụ thể và chi tiết nhất.

Họ bắt đầu khởi đầu mới với những sợi len và kim móc. Tại xưởng, họ được hướng dẫn cách móc cơ bản và dần dần làm quen với việc móc Thú bông. Những người thân và chính họ cũng đã từng nghĩ mình sẽ rất khó để tái hòa nhập với mọi người xung quanh. Thế nhưng chỉ mất hai ngày làm quen, chị Trang và chị Loan đã có thể mở lòng chia sẻ câu chuyện của mình với những người đồng nghiệp ở xưởng. Sau một tuần, hai chị đã móc ra những sản phẩm đầu tiên cho riêng mình, đánh dấu cho sự cố gắng và thành công ban đầu của mỗi người.

“Gia đình mình rất ủng hộ mình đi làm. Những người mắc bệnh trầm cảm thường muốn giấu bệnh, chỉ muốn một mình. Thật may mắn là ở đây mọi người rất cởi mở và thân thiện nên mình muốn chia sẻ nhiều hơn cùng mọi người. Mỗi ngày mình làm được thân của hai con thỏ và hai ngày thì hoàn thành sản phẩm. Mình rất vui mỗi khi thấy được thành quả của bản thân và thực sự tự hào vì mình đã đóng góp được công sức của mình vào công việc này.” – chị Trang mỉm cười khi nói về những trải nghiệm của mình trong một tháng làm việc.

Chị Lê Thị Huyền Trang đang miệt mài với sản phẩm

Còn với chị Loan, việc lựa chọn một công việc không gây áp lực và phức tạp lại khiến chị rất vui vẻ: “Những ngày làm việc đầu tiên, mình cảm thấy có chút áp lực nhưng vẫn rất thoải mái. Có bạn bè đồng nghiệp bên cạnh nên mình nói nhiều hơn, tự tin giao tiếp hơn. Sau một tuần đi làm, mình cảm thấy mình như bao người bình thường khác vậy. Mình cũng có một công việc, sáng đi, tối về. Mình thấy thoải mái, tự tin, lạc quan và yêu đời. Hơn nữa Xưởng móc Thú bông cũng là một dự án hướng tới cộng đồng người Khuyết tật, là một dự án nhân văn và có ý nghĩa. Mình rất vui vì có thể tham gia dự án này cùng mọi người.”

Chị Hoàng Thị Thu Loan cuối cùng đã tìm được một công việc khiến mình cảm thấy thoải mái hơn

Chị Trang, từ một người rụt rè sợ giao tiếp, giờ đây đã có thể trải lòng mình, cởi mở hơn khi nói về bệnh tình của mình trước đây. Thậm chí chị còn thử đề nghị với bác sĩ về việc xin giảm uống thuốc khi bệnh đã có tiến triển tốt như bây giờ. Nếu như trước đây căn bệnh chị Loan khiến nỗi buồn, âu lo luôn hiện hữu trong đôi mắt của bố mẹ chị thì nay ánh mắt ấy đã vui tươi hơn, tin tưởng hơn. Chị hy vọng rằng công việc này về lâu dài sẽ nuôi sống được bản thân, và chị không còn là gánh nặng của gia đình nữa.

Sự thay đổi tích cực này đã được Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền – Giám đốc sản xuất khen ngợi và nhắc lại nhiều lần: “Các bạn thay đổi rõ ràng lắm, hồi đầu thì các bạn rất ít nói và chia sẻ, cả hai bên cũng chưa có tiếng nói chung. Nhưng sau hai buổi rồi một tháng, các bạn ấy tự tin hơn nhiều khi nói về bản thân và câu chuyện mình.”

Chị Lê Thị Huyền Trang (ngoài cùng bên trái) và chị Hoàng Thị Thu Loan (thứ 2 từ phải sang) vui vẻ cầm trên tay những sản phẩm của mình

Dự án xưởng móc thú bông không chỉ tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật, mang tới cho những người có hoàn cảnh đặc biệt như chị Loan và chị Trang những cảm xúc tích cực, lạc quan hơn mà còn truyền cảm hứng tới những người xung quanh về sự bắt đầu cho một bước ngoặt tốt đẹp trong cuộc sống.

Dự kiến vào cuối tháng 04/2021, những sản phẩm đầu tiên của xưởng sẽ xuất hiện trên hệ thống cửa hàng TokyoLife. Chúng ta cùng đón chờ những chú gấu bông xinh xắn được tạo ra từ đôi tay của những “Thiên thần ForLife” nhé!

Huệ Dương