Cách giao tiếp với người Điếc/Khiếm thính trong những buổi liên hoan dịp lễ hội

Trong những dịp đặc biệt như ngày lễ, Tết, nhiều gia đình thường hay tổ chức các buổi liên hoan với sự góp mặt của bạn bè, người thân. Vậy nếu trong gia đình có thành viên là người Điếc, Khiếm thính thì chúng ta sẽ giao tiếp với họ như thế nào cho hiệu quả? Hãy cùng lắng nghe chia sẻ của chị Katelyn Cheng chia sẻ về trải nghiệm và góc nhìn của mình khi đón tiếp người Điếc, Khiếm thính đến nhà chơi vào dịp lễ hội.

Những ngày nghỉ lễ là khoảng thời gian quý báu để chúng ta có dịp quây quần bên những người thân yêu, những bữa tiệc đều được tổ chức trên khắp cả nước. Có nhiều bữa liên hoan nhỏ với sự tham gia của các thành viên trong gia đình, họ hàng và những người bạn đời của các thành viên. Còn tại những bữa tiệc lớn, người tham gia dông hơn với bạn bè, đồng nghiệp, cùng người thân, khách mời từ những mối quan hệ trong xã hội. Tuy nhiên, điều tôi muốn tập trung không nằm tại quy mô của bữa tiệc, mà về những người tham gia. Nếu trong những buổi tiệc đó có sự tham gia của những người nghe kém và người Điếc, họ có thể gặp khó khăn và trải qua cảm giác không thoải mái khi hòa mình vào bữa tiệc cùng với mọi người xung quanh cũng như giao tiếp với người Nghe.

Vấn đề không nằm tại người đó là người Khiếm thính hay Điếc, điều quan trọng là việc tiếp xúc với họ tại một không gian ồn ào không phải là một ý tưởng hay. Thật ra thì với những người lần đầu tiếp xúc với người Khiếm thính/người Điếc, việc họ chưa có cách giao tiếp phù hợp cũng là điều dễ hiểu.

Trong gia đình có thành viên Khiếm thính, Điếc

Ngay với những buổi liên hoan nhỏ trong gia đình, người Điếc, người Khiếm thính cũng gặp những tình huống khó khăn khi giao tiếp. Họ rất dễ bị “lạc” trong câu chuyện mọi người đang đề cập khi không hiểu nội dung câu chuyện mọi người đang nói-đặc biệt khi những thành viên đó đã lâu không giao tiếp với họ hàng hoặc người thân có mặt tại buổi liên hoan đó. Thông thường, mọi người cảm thấy háo hức và mong chờ những cuộc trò chuyện. Do vậy, họ có xu hướng nói nhiều câu chuyện vui, câu đùa để tạo bầu không khí vui vẻ. Đối với người Khiếm thính/người Điếc, họ có thể nắm nội dung một phần cuộc trò chuyện, nhưng sẽ bị “lạc” nội dung của phần còn lại. Hơn nữa, thường vào những dịp này, trong gia đình thường có tiếng TV to, tiếng nhạc, tiếng trẻ em khóc, nô đùa là yếu tố gây cản trở cho việc giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình và những người thân Điếc/Khiếm thính của mình.

Đối với những gia đình có thành viên nói nhiều thứ tiếng khác nhau, việc giao tiếp giữa người Nghe và người Điếc/Khiếm thính trở nên khó khăn gấp bội. Phần do các cuộc trò chuyện được các thành viên sử dụng tiếng nước ngoài, hoặc họ sẽ nói xen lẫn các câu tiếng Anh với tiếng nước ngoài. Việc này có thể gây cản trở, gây khó chịu cho người Điếc, người Khiếm thính và họ có xu hướng đi xem TV, chơi điện tử, nghe nhạc hoặc đi ra ngoài gặp bạn bè của họ.

Rào cản giao tiếp với những người Điếc, Khiếm thính trong những buổi liên hoan, Ảnh: Unspalsh

Vậy làm cách nào để người Điếc/Khiếm thính có thể tận hưởng các buổi tiệc, buổi liên hoan với người thân, bạn bè của mình?

Đầu tiên, khi một người muốn trò chuyện với người Điếc/Khiếm thính, họ cần phải hiểu và có tư duy mở, hãy tỏ rõ sự thiện chí của bạn! Và bạn cần hiểu rằng, có nhiều cách giao tiếp với người Điếc/Khiếm thính, không chỉ qua lời nói thông thường. Cách đơn giản nhất, nếu xung quanh bạn có bút và giấy, hãy sử dụng. Hoặc bạn có thể giao tiếp với họ bằng chữ viết trên điện thoại. Ngôn ngữ ký hiệu và ngôn ngữ nói thông thường có nhiều đặc điểm rất khác nhau, nên trong quá trình giao tiếp, nếu họ có sử dụng ngôn ngữ không đúng, đừng phán xét và đánh giá họ.

Mặt khác, chúng ta không nên có định kiến hoặc quan niệm rằng cộng đồng người Điếc/Khiếm thính đều không nắm rõ mặt chữ thông thường. Trong cộng đồng của họ, có những thành viên có kỹ năng ngôn ngữ tốt. Vì vậy, bạn đừng ngạc nhiên khi giao tiếp với họ. Bạn không nên nói: “Kỹ năng ngôn ngữ của bạn tốt thật”. Và ngay cả khi đó là những lời khen, đối với người Điếc/Khiếm thính, những lời nói đó có thể mang nghĩa tiêu cực, rằng họ không được giáo dục tốt, hay kỹ năng tiếng của họ yếu. Có một cách khác để giao tiếp rất hiệu quả, đó là sử dụng những ứng dụng trên thiết bị điện tử như Big hoặc Ava. Những ứng dụng này có thể chuyển đổi lời nói thành chữ viết một cách nhanh chóng.

Những cách giao tiếp với người Điếc, Khiếm thính. Ảnh: Unsplash

Mấu chốt ở đây tôi muốn nhấn mạnh là: người Điếc/Khiếm thính cần cảm nhận được rằng, họ là một phần của đám đông, của cuộc trò chuyện trong các buổi liên hoan đó. Người Điếc/Khiếm thính thường khó khăn trong giao tiếp, nhưng không phải không thể nói chuyện với họ. Người Điếc/Khiếm thính có thể nhờ phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu hỗ trợ họ giao tiếp, mặc dù có thể sự xuất hiện của phiên dịch trong những buổi tiệc thân mật như vậy sẽ gây bất tiện và không thoải mái cho những người xung quanh. Người Điếc/Khiếm thính có thể có những người bạn của họ. Nếu người Điếc/Khiếm thính đang trong mối quan hẹ hẹn hò, hoặc bạn bè với người Nghe, họ sẽ mời người đó đến bữa tiệc, buổi liên hoan thân mật với gia đình. Người bạn đó là người mà những người Điếc/Khiếm thính hiểu rõ, và sẽ không ngại chia sẻ thông tin cá nhân. Như vậy, không khí sẽ trở nên tự nhiên hơn khi có một “phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu bất đắc dĩ”.

Sự khác biệt văn hóa giữa người Nghe và người Điếc/người Khiếm thính

Sự khác biệt về văn hóa giữa người Nghe và người Điếc/Khiếm thính có thể là một trong những trở ngại khi hai bên giao tiếp với nhau. Do vậy, chúng ta cần hiểu rõ sự khác biệt trong văn hóa của cộng đồng người Điếc/Khiếm thính cũng như người Nghe để tránh gây ra tổn thương hay gây xúc phạm đến hai bên.

Một trong những khác biệt văn hóa cần lưu ý khi trò chuyện với người Điếc/Khiếm thính là họ thường nói thẳng vào vấn đề cần trò chuyện. Người Điếc, Khiếm thính sinh hoạt lâu trong cộng đồng của họ thường có xu hướng nói trực tiếp vào vấn đề, không nói vòng vo. Điều này không chỉ là rào cản trong giao tiếp mà còn gây ra nhiều vấn đề trong các hoàn cảnh xã hội khác nhau mà cả hai bên đều có sự quen thuộc riêng.

Sự thấu hiểu giữa người Nghe và người Điếc/Khiếm thính. Ảnh: Unsplash

Với người Nghe, họ thích sự riêng tư, không gian riêng của họ. Nếu bạn là người xa lạ, hãy tránh sử dụng không gian, đồ đạc của họ.

Trong khi, đối với văn hóa của người Điếc, những cử chỉ như chạm vào vai, vẫy tay với họ, chạm vào bàn là một trong những cách để gọi họ, hay để thu hút sự chú ý của họ. Đối với người Điếc, điều này hoàn toàn bình thường, tuy nhiên, với người Nghe, họ có thể cảm thấy như vậy là bất lịch sự.

Thêm nữa, nếu người Khiếm thính, người Điếc dẫn theo bạn bè về nhà chơi, họ có thể giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu. Điều này có thể gây không thoải mái cho người Nghe khi mà họ có thể nghĩ rằng người Điếc/người Khiếm thính đang nói gì đó sau lưng họ hoặc họ cảm thấy mình bị “đứng ngoài” vì người Nghe không hiểu ngôn ngữ ký hiệu. Trong trường hợp như vậy, người Điếc, Khiếm thính nên vừa dịch lại những gì mình trò chuyện với người bạn đó để người Nghe có thể hiểu.

Người Nghe nên nói vừa đủ to, rõ ràng để người Điếc/Khiếm thính có thể đọc khẩu hình. Đừng nói quá to, nếu không, người Điếc sẽ cảm thấy rằng họ đang bị cười cợt, bị nói những điều không hay. Đối với người Nghe, hãy nhớ bạn nên hoàn thành bữa ăn của mình trước khi nói chuyện với người Điếc/Khiếm thính vì họ sẽ đọc khẩu hình và họ gần như dựa vào biểu cảm trên khuôn mặt để nắm được nội dung trò chuyện. Do vậy, hãy tránh ăn uống trong khi đang trò chuyện. Thêm nữa, người Nghe không nên quay đi hướng khác khi đang giao tiếp với người Điếc/Khiếm thính vì rất có thể, họ sẽ không nắm được nội dung đang trò chuyện. Người Nghe cần giao tiếp bằng mắt và tập trung khi nói chuyện với họ.

Trải nghiệm cá nhân:

Vào dịp lễ Tạ Ơn, tôi có dẫn bạn trai về nhà chơi. Vấn đề là, gia đình tôi nói tiếng Anh xen lẫn tiếng Trung Quốc. Có lúc, tôi phải phiên dịch thêm lần nữa, lúc khi gia đình tôi nói tiếng Trung vì tôi không muốn bạn trai mình cảm thấy lạc lõng. Tôi muốn mọi người đều tham gia được vào câu chuyện mà không gây rắc rối hay xúc phạm đến ai.

Phương Anh/ Theo Start ASL

Đôi nét về tác giả và trang web: